Chuyển tới nội dung

Sách (và phim) Brave New World – Thế giới mới dũng cảm

Intro

Sách Brave New World (1932) là một tiểu thuyết giả tưởng Phản Địa Đàng của tác giả Aldous Huxley.

Brave New World viễn tưởng về tương lai năm 2540. Toàn cầu thống nhất, không còn chiến tranh. Tất cả đều là của chung. Sức sản xuất dư thừa, vô tận.

Lượng đổi chất đổi.

Loài người tiến hóa và phân hóa thành các cấp bậc: Alpha, Beta, Gamma, Delta và Epsilon – mỗi loài/cấp có một công việc riêng.

Brave New World được dịch giả trước tôi dịch là “Thế giới mới tươi đẹp”, nhưng theo tôi, dịch là “Thế giới mới dũng cảm” sẽ hợp lý hơn. “Dũng cảm” sát nghĩa với “Brave”.

Loài người dù là ở thế giới nào, mới hay cũ, cũng đều bất chấp để dành sự sinh tồn (bậc 1), nỗ lực (hoặc thủ đoạn) để dành các bậc cao hơn.

Tháp nhu cầu Maslow. Nguồn: Wikipedia.

Và chúng ta sẽ thấy sự “Dũng cảm” của “Thế giới mới” đó thế nào trong tác phẩm.

Trước khi bàn luận thêm, để tránh Spoiler cho những ai chưa đọc hoặc xem Brave New World.

Sách và phim Brave New World – thế giới mới tươi đẹp.

Khuyến nghị đọc sách.

[Ebook Tiếng Việt] Brave New World – Thế giới mới tươi đẹp

[Ebook English] Brave New World

Phim Brave New World (1980)

Phim Brave New World năm 1980 là bản tốt nhất tính tới hiện tại (2023). Bản làm lại 2020 is shit, đừng xem. Bản làm 1988 rating kém hơn 1980, tôi cũng đã xem lướt qua, rất tệ.

Bản có phụ đề English
Bản dự phòng không có phụ đề

Phân tích trọng tâm nội dung và cao trào của Brave New World

Cao trào của Brave New World là cuộc đối thoại giữa 4 nhân vật. Các nhân vật đều có Gen Alpha – cấp tiến nhất của thời đại bấy giờ, nhưng mỗi nhân vật đều có điều kiện phát triển khác nhau.

  • Mustapha Mond: Cấp Alpha cộng, ngài Kiểm soát, người học lịch sử rõ nhất và theo dõi tất cả quá trình. Ông đã đọc không biết bao nhiêu cuốn sách, kể cả Kinh Thánh.
  • John Hoang dã: dù có Gen Alpha & Beta, nhưng có văn hóa của thế giới cũ, đã đọc biết bao thi ca và tác phẩm nghệ thuật.
  • Bernard: Đứa trẻ khiếm khuyết Gen. Dù có “danh” Alpha cộng nhưng thân hình kém hấp dẫn, khó hòa đồng, luôn cảm thấy những cảm xúc cá nhân khác biệt.
  • Helmholtz: Một người cư dân tương lai bình thường, nhưng anh đặt quá nhiều câu hỏi, anh yêu cái đẹp và muốn sáng tạo nghệ thuật.

Tại sao 1 xã hội không thể toàn chỉ có những Alpha? Bạn có thắc mắc vậy không?

Xã hội hiện tại 2023 chẳng phải đang như vậy hay sao? Chúng ta – đa số – đều giống nhau, trí tuệ và tay chân đều lành lặn (sự bất công có lẽ chỉ ở phân phối của cải)

John – Người hoang dã – Người tối cổ – cũng thắc mắc câu hỏi tương tự như tôi và bạn.

Mustapha Mond mỉm cười.

“À, anh có thể gọi nó là một thí nghiệm về đóng chai lại nếu anh muốn. Nó xảy ra năm 473 A.F. Các vị Kiểm soát cho dọn sạch khỏi đảo Cyprus tất cả những cư dân đang có trên đó, và di đến đó một mẻ hai mươi hai ngàn Alpha được chuẩn bị cẩn thận. Tất cả các trang thiết bị nông nghiệp và công nghiệp được trao cho họ và họ được bỏ lại để tự xoay sở với công việc của mình. Kết quả thỏa mãn một cách chính xác tất cả những dự đoán lý thuyết. Đất không được làm đúng, có bãi công trong tất cả các nhà máy, các đạo luật bị vô hiệu hóa, trật tự không được tuân thủ, tất cả những người được cắt cử đến phiên làm những công việc hạ cấp không ngừng vận động để có công việc cao cấp hơn, và tất cả những người có công việc cao hơn đều xoay sở đủ cách để giữ lại công việc của mình bằng mọi giá. Trong vòng sáu năm, họ đã có một cuộc nội chiến cấp một. Khi mười chín trong số hai mươi hai ngàn bị giết, những người sống sót đồng lòng gửi thỉnh nguyện thư lên các vị Kiểm soát thế giới yêu cầu lập lại điều hành hòn đảo. Và họ đã làm. Đó là kết cục của một xã hội duy nhất toàn Alpha mà thế giới từng chứng kiến.”

Người Hoang dã thở dài, sâu xa.

“Cư dân tối ưu” – Mustapha Mond nói – “được thiết kế trên tảng băng trôi, tám phần chín dưới mớn nước, một phần chín ở trên”.

“Và họ hạnh phúc dưới mớn nước?”

“Hạnh phúc hơn ở trên. Hạnh phúc hơn bạn anh ở đây, chẳng hạn”. Ông chỉ.

“Bất kể công việc tồi tệ đó?”

“Tồi tệ? Họ không thấy thế. Trái lại, họ thích nó. Nó nhẹ, nó đơn giản như trẻ con. Không căng thẳng trí óc hay cơ bắp. Bảy giờ rưỡi lao động nhẹ nhàng, không kiệt sức, rồi sau đó là khẩu phần soma, và các trò chơi, và giao hợp không hạn chế và phim gợi dục Fili. Họ còn đòi hỏi gì hơn nữa? Đúng ra” – ông nói thêm – “họ có thể yêu cầu giờ làm việc ngắn hơn. Và tất nhiên chúng ta có thể cho họ giờ làm việc ngắn hơn. Về mặt kỹ thuật, hoàn toàn đơn giản có thể giảm thời gian làm việc của tất cả đẳng cấp thấp xuống ba hoặc bốn giờ một ngày. Nhưng liệu như thế họ có hạnh phúc hơn không? Không, họ không hạnh phúc. Các thí nghiệm đã thử, cách nay hơn một thế kỷ rưỡi. Toàn thể Ireland được đưa vào chế độ làm việc bốn giờ một ngày. Kết quả thế nào? Náo động và tăng tiêu thụ soma lên rất nhiều, tất cả chỉ có thế. Ba giờ rưỡi nhàn rỗi thêm vào đó còn lâu mới là nguồn hạnh phúc, đến nỗi người ta cảm thấy phải miễn cưỡng nhận một ngày nghỉ. Cục Sáng chế chất đầy những bản kế hoạch để xử lí tiết kiệm lao động. Hàng ngàn bản”. Mustapha Mond làm một điệu bộ rộng rãi. “Và tại sao chúng tôi không đưa chúng vào thực hiện? Vì những người lao động; vì đúng là độc ác nếu bắt họ chịu đau khổ vì quá nhàn rỗi. Cũng giống như với nông nghiệp. Chúng ta có thế tổng hợp mọi mẩu lương thực, nếu chúng ta muốn. Nhưng chúng ta không muốn. Chúng ta thích giữ lại một phần ba dân số trên mặt đất. Vì chính bản thân họ – bởi vì làm ra lương thực từ đất lâu hơn nhiều so với làm ra từ nhà máy. Ngoài ra, chúng ta còn phải nghĩ đến sự ổn định của chúng ta. Chúng ta không muốn thay đổi. Mọi thay đổi đe dọa sự ổn định của chúng ta. Đó là một lý do khác nữa tại sao chúng tôi rất dè dặt trong việc áp dụng những phát minh sáng chế mới. Mọi phát minh trong khoa học thuần túy đều có tiềm năng lật đổ, thậm chí đôi khi khoa học phải bị xử lí như kẻ thù tiềm năng. Vâng, ngay cả khoa học.”

Khoa học ư? Người Hoang dã cau mày. Anh biết từ này. Nhưng anh không biết ý nghĩa chính xác của nó là gì. Shakespeare và những người già của bản chưa bao giờ nhắc đến khoa học, và từ Linda, anh chỉ thu thập được những gợi ý mơ hồ: Khoa học là cái gì đó mà với nó anh làm ra trực thăng, một cái gì khiến anh cười những Điệu nhảy Ngô khoai, một cái gì đó phòng ngừa cho anh khỏi bị nhăn và rụng răng. Anh cố gắng vô vọng để nắm bắt ý nghĩa của ngài Kiểm soát.

“Vâng” – Mustapha Mond nói – “đó là một hạng mục khác trong cái giá của sự ổn định. Không chỉ nghệ thuật không thích hợp với hạnh phúc, mà cả khoa học. Khoa học là nguy hiểm, chúng ta phải giữ nó bị khóa chân tay khóa miệng lại một cách cẩn thận nhất”.

“Cái gì?” – Helmholtz kinh ngạc – “Nhưng chúng ta luôn luôn nói khoa học là tất cả. Nó được dạy đến nhàm đi rong giấc ngủ”.

“Ba lần một tuần giữa mười ba và mười bảy” – Bernard chen vào.

“Và tất cả tuyên truyền khoa học chúng tôi làm ở Đại học…”

“Đúng, nhưng loại khoa học nào?” – Mustapha Mond hỏi một cách châm biếm – “Các anh không được đào tạo về khoa học, nên các anh không thể phán xét. Tôi là một nhà vật lý giỏi trong thời của tôi. Quá giỏi, đủ giỏi để nhận ra rằng tất cả khoa học của chúng ta chỉ là một cuốn sách dạy nấu ăn, với một lý thuyết chính thống về nấu ăn mà không ai được phép đặt câu hỏi và một danh mục các công thức không được phép bổ sung nếu không có giấy phép của bếp trưởng. Bây giờ tôi là bếp trưởng. Nhưng đã có thời tôi là một phụ bếp trẻ tò mò. Tôi bắt đầu tự chế riêng một số món. Những món ăn không chính thống, không được phép. Đúng ra nó là một chút khoa học thật sự”. Ông im lặng.

“Chuyện gì đã xảy ra?”

Ngài Kiểm soát thở dài. “Rất gần với điều sắp xảy ra cho những người trẻ tuổi các anh. Tôi đã suýt bị đưa ra đảo.”

Những lời này như điện giật khiến Bernard rơi vào một hành động hung hãn và hỗn láo.

“Đẩy tôi ra đảo à?” Gã nhảy dựng lên, chạy băng qua phòng và đứng khoa chân múa tay trước ngài Kiểm soát. “Ngài không thể đẩy tôi ra đó. Tôi không làm gì cả. Đó là những người khác. Tôi thề đó là những người khác làm”. Gã chỉ vào Helmholtz và người Hoang dã, tố cáo. “Ôi, làm ơn đừng đẩy tôi ra đảo. Tôi xin hứa tôi sẽ làm tất cả những gì tôi phải làm. Hãy cho tôi một cơ hội. Làm ơn cho tôi một cơ hội khác”. Nước mắt bắt đầu tràn ra. “Xin nói với ngài, đó là lỗi của họ” – gã nức nở – “Và đừng đưa ra đảo. Ôi làm ơn, ngài Ford tái thế, xin làm ơn…” Và trong cơn kịch phát của sự đê tiện, gã quỳ sụp xuống trước ngài Kiểm soát.

Mustapha Mond cố làm cho gã đứng lên, nhưng Bernard vẫn khăng khăng bền bỉ với tư thế quỵ lụy của gã, từng luồng lời lẽ tuôn ra không mệt mỏi.

Cuối cùng ngài Kiểm soát phải rung chuông gọi viên thư ký thứ tư của ngài. “Đưa đến đây ba người” – ông ta ra lệnh – “và đưa ông Marx vào một buồng ngủ. Cho ông ta hơi xịt soma rồi đưa ông ấy lên giường và bỏ đó”.

Người thư ký thứ tư đi ra và quay vào với ba người hầu đồng sinh trong những bộ đồng phục xanh lá cây.

Vẫn còn la hét và nức nở, Bernard được mang đi.

“Làm người ta tưởng như anh ta đang bị cắt cổ” – ngài Kiểm soát nói khi cửa đóng lại – “Trong khi, nếu chỉ cần có chút thông minh, anh ta phải hiểu rằng hình phạt của anh ta thực ra là một phần thưởng. Anh ta được đưa ra đảo. Tức là, anh ta được đưa đến một nơi anh ta sẽ gặp đám người thú vị toàn những đàn ông đàn bà có thể thấy ở bất kỳ nơi nào trên thế giới. Tất cả những người mà, vì một lý do gì đó, họ tự ý thức về cá nhân quá mạnh đến không thích hợp với đời sống cộng đồng. Tất cả những kẻ bất mãn với chính thống, những kẻ có tư duy độc lập của riêng mình. Tóm lại, tất cả những người là một ai đó. Tôi gần như ghen tị với anh, anh Watson ạ”.

Helmholtz cười. “Vậy sao ngài không ra sống trên đảo?”

“Bởi vì, cuối cùng, tôi thích thế này hơn” – ngài Kiểm soát trả lời – “Tôi được lựa chọn, được đưa ra một hòn đảo, nơi tôi có thể được làm khoa học thuần túy của mình, hay được đưa vào Hội đồng Kiểm soát với triển vọng thành công trong thời hạn thích hợp thành một nhà Kiểm soát thực thụ. Tôi chọn cái này và buông khoa học ra”.

Sau một chút im lặng, “đôi khi”, ông nói, “tôi hơi tiếc khoa học. Hạnh phúc là một vấn đề khó khăn, đặc biệt là hạnh phúc của người khác. Một vấn đề khó khăn hơn sự thật, nếu người ta không được đào luyện để chấp nhận nó mà không đặt câu hỏi”.

Ông thở dài, lại im lặng, rồi tiếp tục với một giọng hoạt bát hơn.

“Ờ, nghĩa vụ của nghĩa vụ. Người ta không thể tham vấn sở thích riêng của mình. Tôi quan tâm đến sự thật, tôi thích khoa học. Nhưng chân lý là một mối đe dọa, khoa học là một nguy cơ công khai. Nguy hiểm ngang lợi ích. Nó đã cho chúng ta sự cân bằng ổn định nhất trong lịch sử. Trung Hoa mất an toàn đến vô vọng theo so sánh, thậm chí những bà chúa thời mẫu hệ cũng không vững vàng bằng chúng ta. Tôi nhắc lại, đó là nhờ khoa học. Nhưng chúng ta không thể cho phép khoa học xóa bỏ đi những tác động tốt của chính nó. Đó là lý do tại sao chúng tôi hạn chế cẩn thận phạm vi nghiên cứu của nó, đó là lý do tôi suýt bị đẩy ra đảo. Chúng tôi không cho phép nó xử lí vấn đề nào khác ngoài những vấn đề trước mắt của thời điểm này. Tất cả những thắc mắc tìm hiểu khác hầu như đều bị ngăn chặn một cách ráo riết”.

Sau một lúc ngưng, ông nói tiếp. “Thật lạ lùng khi đọc những gì người ta, trong thời đại Ford của chúng ta, thường viết về tiến bộ khoa học. Dường như họ đã tưởng tượng rằng nó có thể được phép tiếp tục vô hạn, bất kể mọi thứ khác. Kiến thức là hàng hóa cao nhất, sự thật là giá trị tối thượng; tất cả những thứ còn lại là hạng nhì và thứ yếu. Đúng, những tư tưởng bắt đầu thay đổi thậm chí từ lúc đó. Bản thân Ford của chúng ta đã làm rất nhiều để chuyển tầm quan trọng từ sự thật và cái đẹp sang tiện nghi và hạnh phúc. Sản xuất hàng loạt đòi hỏi sự chuyển đổi này. Hạnh phúc phổ biến giữ cho các bánh xe quay đều, sự thật và cái đẹp không làm được. Và, tất nhiên, khi nào quần chúng cướp được quyền lực chính trị, thì chính hạnh phúc mới quan trọng chứ không phải sự thật và cái đẹp. Hơn nữa, bất chấp mọi chuyện, nghiên cứu khoa học không giới hạn vẫn còn được phép. Người ta vẫn tiếp tục nói về sự thật và cái đẹp như thể chúng là những hàng hóa tối cao. Cho mãi đến cuộc Chiến tranh Chín năm. Nó làm cho họ đổi giọng hoàn toàn. Sự thật hay cái đẹp hay kiến thức có ý nghĩa gì khi những quả bom vi trùng nổ xung quanh anh? Đó là lần đầu tiên khoa học bị kiểm soát – sau Chiến tranh Chín năm. Nhân dân sẵn sàng để cho kiểm soát cả khẩu vị của họ. Bất cứ cái gì cho một cuộc sống yên bình. Chúng ta đã tiếp tục kiểm soát từ lúc đó. Nó đã không tốt lắm cho sự thật, tất nhiên. Nhưng nó rất tốt cho hạnh phúc. Người ta không thể có được cái gì đó mà không mất gì. Hạnh phúc phải được trả giá. Các anh đang trả giá cho nó đấy, Mr. Watson ạ, trả giá bởi vì chẳng may anh lại quá quan tâm đến cái đẹp. Tôi thì quá quan tâm đến sự thật: tôi cũng phải trả giá.”

“Nhưng ngài không phải ra đảo” – người Hoang dã nói, phá vỡ khoảng im lặng dài.

Ngài Kiểm soát mỉm cười. “Đó là cách tôi trả giá. Bằng cách chọn phục vụ cho hạnh phúc. Hạnh phúc của người khác – không phải của tôi. Thật may mắn” – ông nói thêm, sau một quãng ngừng – “là trên thế giới có nhiều đảo đến thế. Tôi không biết chúng tôi sẽ làm gì nếu không có chúng. Tôi nghĩ chắc phải tống tất cả các anh vào phòng hơi độc mất. Nhân thể, Mr. Watson, anh có thích khí hậu nhiệt đới không? Marquesas chẳng hạn, hay Samoa? Hay nơi nào đó lành mạnh hơn?”

Helmholtz đứng lên khỏi ghế đệm hơi. “Tôi thích một nơi khí hậu cực xấu” – anh trả lời – “Tôi tin rằng người ta có thể viết tốt hơn nếu khí hậu thật xấu. Nếu có nhiều gió bão, chẳng hạn…”

Ngài Kiểm soát gật đầu chấp thuận. “Tôi thích tinh thần của anh, Mr. Watson. Tôi thích lắm, thật đấy. Thích như tôi chính thức phản đối nó”. Ông mỉm cười. “Đảo Falkland được không?”

“Vâng, tôi nghĩ được đấy” – Helmholtz trả lời – “Và bây giờ, nếu ngài không phiền, tôi vào xem anh bạn Bernard tội nghiệp sao rồi”.

Chương 16 – Brave New World – Bản Dịch Nhà sách Phương Nam

Kết truyện

  • John yêu cầu được tự do, được đòi quyền bất hạnh, và anh ấy tự vẫn.
  • John người hoang dã thấy thật bất hạnh, trong khi thế giới mới ai cũng hạnh phúc.

Không phải sự châm biếm tương lai, cái mà Huxley châm biếm là thực tại?

Tổng kết Brave New World

Speculation (phỏng đoán) hay Paradox (nghịch lý)?

Thế hệ mới không “trái đạo đức”. Đạo đức là điều được xã hội công nhận.

Hiện tại: Nhiều quốc gia
– Chiến tranh
– Mỗi quốc gia 1 bản sắc văn hóa
Brave new world: 1 quốc gia
– Không chiến tranh
– Không quốc gia, 1 văn hóa.
Chính trị
Hiện tại: Sinh sản truyền thống
– Bệnh tật, dị tật
– Sex vừa để cho vui, vừa để sinh sản. Có vợ chồng. Có ngoại tình.
– Đa số có Gia đình, bố mẹ, ông bà, con cái.
– Khi chết, con người có mộ, có lễ tang, con cháu tưởng nhớ.
Brave new world: Sinh sản trong ống nghiệm
– Không có bệnh tật (Gen nhiễm bệnh đã bị loại bỏ)
– Sex chỉ để cho vui. Không vợ chồng. Không chung thủy
– Tất cả đều không có gia đình.
– Khi chết, con người được “tái chế” thành phân bón, không ai xót thương hay tưởng nhớ.
Sinh sản
Hiện tại: Nhiều phương pháp nuôi dậy
– Phân hóa giàu nghèo & tri thức dẫn đến điều kiện nuôi dưỡng và giáo dục khác nhau
– Chi phí nuôi dạy tốn kém. Trẻ em lớn chậm
Brave new world: 1 phương pháp nuôi dậy
– Tất cả đều được nuôi dưỡng như nhau. Trẻ em học trong lúc ngủ thông qua TV. Dạy mỗi loài Alpha, Beta, Gamma, Delta và Epsilon đều hạnh phúc với chính mình và vị trí dành cho nó.
– Trẻ em phát triển rất nhanh, chi phí giảm.
Phát triển
Hiện tại: Phân chia giai cấp qua tài chính, địa vị xã hội.
– Tài chính & quan hệ có tính Cha truyền con nối
– CEO, CFO, CMO,…; Tổng thống, bộ trưởng, thủ tướng,…
Brave new world: Phân chia giai cấp nằm trong Gen
– Không có thừa kế
– Alpha, Beta, Gamma, Delta và Epsilon.
Giai cấp
Hiện tại: Có tài chính
– Có sự khan hiếm. Có sự tư hữu.
– Sự khác nhau giữa năng suất lao động. Tiền là tất yếu để đo lường hiệu quả.
Brave new world: Không có tài chính
– Không khan hiếm. Không tư hữu. Của chung.
– Không cần tiền, muốn bao nhiêu có bấy nhiêu.
Kinh tế
Hiện tại: Nhiều loại chất kích thích/chất thức thần
– Giúp con người “Phê”
– Có tác dụng phụ
– Sợ chất kích thích vì tác dụng phụ đến sức khỏe. Vì dẫn đến lười nhác, không kiếm được tiền. Chết.
Brave new world: 1 loại: Soma
– Giúp con người “Phê”
– Không tác dụng phụ
– Không tác dụng phụ. Không cần dùng tiền để mua mà được phát miễn phí. Ai cũng sử dụng từ bé cho đến chết.
Soma
Hiện tại: Tôn giáo & Nghệ thuật
– Nhiều người tin vào thế lực siêu nhiên. Một số người không tin.
– Sáng tạo.
– Nghệ thuật cao cấp: Văn thơ, kịch, âm nhạc,..
– Bất hạnh
Brave new world: Khoa học.
– Con người tin vào khoa học, không sợ chết nữa nên không cần tôn giáo.
– Cấm sáng tạo.
– Không có nghệ thuật. Văn thơ và âm nhạc là tốn thời gian.
– Hạnh phúc
Văn hóa

Một chính phủ độc tài, làm mọi giá vì hạnh phúc người dân. Nhưng ai cũng hạnh phúc và không có chiến tranh.

Helmholtz muốn sáng tạo, ông được tới bất cứ nơi đâu ông muốn.

John Hoang Dã muốn ở một mình, rồi tự chọn cái chết.

Bernard muốn ở lại Brave New World nhưng bị đưa ra đảo. Anh tức giận, rồi van xin, rồi cảm thấy bất hạnh, nhưng chẳng qua anh không biết mình sắp được đưa tới 1 nơi toàn những người như anh ta, anh ta sẽ hạnh phúc thôi.

Mustapha Mond – người Kiểm soát – có lẽ là người bất hạnh nhất. Ông muốn sáng tạo, muốn khoa học, ông được phép chọn. Nhưng ông chọn ở lại phục vụ vì hạnh phúc của mọi người. Vì ông muốn cống hiến.

Ngu si hưởng thái bình

Công trạng – Credit – Nguồn – Tài liệu tham khảo

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *